TP.HCM sẽ hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới Đây là một trong những phương án đang được TP.HCM nghiên cứu nhằm thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, song song mục tiêu phủ sóng phương tiện “sạch” khắp thành phố từ 2050.
Xe máy được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất của TP.HCM
NHẬT THỊNH
Sẽ có đối tượng được hỗ trợ đổi xe miễn phí
ghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới được Quốc hội thông qua cho phép HĐND TP ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch cũng như lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 13.7, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để TP.HCM thực hiện đề án kiểm soát mô tô, xe gắn máy.
Theo đề án đã được Viện Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (ITST) phối hợp cùng Sở GTVT TP.HCM xây dựng, đơn vị nghiên cứu đề xuất phương án kiểm soát hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng của xe. Cụ thể, trước tiên sẽ kiểm soát từ khu vực trung tâm rồi mới tiến tới toàn thành phố, áp dụng với xe từ 5 năm sử dụng trở lên (giai đoạn từ nay đến 2025) rồi tiến tới kiểm soát khí thải tất cả các phương tiện (sau 2025).
Giai đoạn đầu, thành phố sẽ tổ chức 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu, thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải toàn bộ xe lưu hành để lập cơ sở dữ liệu với mức phí 50.000 đồng/xe/năm. TP.HCM dự kiến miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn.
Sau đó, bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm trở lên (có thể điều chỉnh là 3 năm). Khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải mức 2 được lưu hành. Xe vi phạm, không đạt chỉ tiêu bị phạt hành chính cho lưu thông. Giai đoạn tiếp theo mở rộng ra xây dựng thêm 78 trạm, quy mô toàn thành phố.
Mục tiêu đến giai đoạn 2026 – 2030 là tiếp tục nâng mức giới hạn tiêu chuẩn khí thải, mở rộng phân vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường nhằm điều chỉnh lưu thông của xe máy, tiến tới ngưng hoàn toàn hoạt động của phương tiện cá nhân ở các quận trung tâm khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các điều kiện tiếp cận đã đáp ứng.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng nhận định thách thức lớn nhất của TP.HCM hiện nay là thói quen sử dụng xe máy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân, trong điều kiện hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Bên cạnh đó, xe máy là tài sản của người dân, không thể tịch thu hoặc cấm họ sử dụng. Do đó, Sở GTVT tính toán sẽ kiến nghị UBND TP xây dựng những chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện mới là xe điện, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Chính sách được xây dựng theo từng mức độ: khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi.
“Đối tượng nào có nhu cầu đổi phương tiện và đủ điều kiện về tài chính sẽ đổi luôn sang xe điện; đối tượng nào không đủ điều kiện thì sẽ được hỗ trợ 1 phần chi phí; cũng sẽ có đối tượng thuộc nhóm hỗ trợ hoàn toàn” – ông Bùi Hòa An thông tin.
TP.HCM tính xây dựng phương án hỗ trợ miễn phí một số đối tượng người dân kiểm định xe máy và đổi phương tiện cũ sử dụng động cơ đốt trong sang phương tiện mới là xe điện
Lên kế hoạch “loại” xe xăng, phủ xe điện
Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ và một số khu vực trong vùng nội đô. Khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại Mỹ Khánh sẽ có một bãi đệm, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu không phải là xe điện sẽ được gửi lại tại đây. Sau đó sẽ có xe điện trung chuyển công cộng vào tất cả các nơi của Cần Giờ. Cùng với đó là đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe buýt, ô tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước… sang xe điện.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang phối hợp với nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” xây dựng kế hoạch “loại” xe xăng, phủ xe điện.
Nhóm tư vấn kiến nghị lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện cho TP. HCM gồm 3 giai đoạn, mục tiêu đến 2050 sẽ đạt tỷ lệ phủ xe điện với phương tiện giao thông công cộng là 100%, phương tiện giao thông cá nhân đạt 90%.
Để đạt được mục tiêu theo từng giai đoạn, cần có các giải pháp từng bước phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm theo từng giai đoạn cụ thể. Các nhiệm vụ chính cũng cần thực hiện theo mốc thời gian tương ứng. Cụ thể, đến 2025, phải xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện. Đến 2030, xây dựng và hoàn thiện cơ chế/chính sách; thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc.
Đến 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Tiến đến 2040 đặt mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe mô tô/xe máy dùng động cơ đốt trong. Năm 2050, TP.HCM sẽ dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong. Nếu thực hiện được đề án này, TP.HCM sẽ là thành phố đầu tiên ở Việt Nam phát triển giao thông điện để giảm ô nhiễm môi trường.
TP.HCM dự kiến sẽ thí điểm phủ 100% xe điện tại Cần Giờ
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội – Trưởng nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” cho biết: TP.HCM là một trong những thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình năm của thành phố tăng 1,4%; tỷ lệ diện tích ngập thường xuyên năm 2009 là 54%, dự báo tới năm 2050 sẽ tăng lên 61%.
Trong đó, các hoạt động giao thông vận tải (GTVT) là một trong những nguyên nhân chính, đóng góp tới 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Mặt khác, Việt Nam hiện đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính khi tham gia thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Mới đây, Chính phủ đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Sử dụng nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên và điện để thay thế nhiên liệu truyền thống được xác định là 1 trong 5 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT.
“Phát triển phương tiện giao thông điện là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể cưỡng lại được xu thế này. Dự kiến đến năm 2030, chỉ còn 41% số lượng phương tiện bán ra trên thế giới là phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là phương tiện sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong. Phương tiện giao thông điện đã xâm nhập vào thị trường TP.HCM như một xu thế tất yếu. Giờ là lúc vẽ con đường để các loại phương tiện này trở thành phổ biến ở TP.HCM” – ông Tuấn nói.
Lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện cho TP.HCM đang được nghiên cứu:
– Giai đoạn 1 (từ 2022 – 2030) là giai đoạn khởi động: Đặt mục tiêu tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2030 đạt 20% với mô tô/xe máy/ô tô con; 10% với taxi; và 50% với xe buýt
– Giai đoạn 2 (từ 2030 – 2040) – giai đoạn tăng trưởng nhanh: Tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2040 đạt 50% với mô tô/xe máy; 60% với ô tô con; 20% với taxi; và 100% với xe buýt.
– Giai đoạn 3 (từ 2040 – 2050) được gọi là giai đoạn tăng trưởng ổn định. Lúc này, tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2050 đạt 90% với mô tô/xe máy/ô tô con; 60% với taxi; và 100% với xe buýt.