Bé gái 5 tuổi, sinh ra với khối u hắc tố hiếm gặp chiếm nửa khuôn mặt, trải qua ba cuộc mổ để cắt bỏ u.
Khi một tháng tuổi, gia đình đưa bé đi khám ở nhiều nơi nhưng không điều trị với lý do sớm nhất phải 12 tuổi, thậm chí trên 18 mới có thể phẫu thuật. Lúc ba tuổi, bố mẹ đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, được hướng dẫn mổ càng sớm càng tốt.
Ngày 28/6, bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình, cho biết phẫu thuật loại bỏ u hắc tố khổng lồ cần được thực hiện trước 3-5 tuổi. Nếu có dấu hiệu ung thư hóa như loét, chảy máu, thay đổi nhanh màu sắc, kích thước, xâm lấn xung quanh,… cần phẫu thuật ngay. Tuy nhiên, trẻ phải trải qua nhiều cuộc mổ, bác sĩ kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau (cắt thu dần, ghép, vạt, giãn da) tùy theo đặc điểm, vị trí của khối.
Trường hợp trên có khối u khổng lồ, chiếm 7 đơn vị giải phẫu tại vùng đầu và mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống và tương lai trẻ. Do đó, ê kíp lên kế hoạch cũng như lộ trình mổ chi tiết, nhằm đem lại hiệu quả phục hồi cấu trúc, chức năng và thẩm mỹ tốt nhất.
“Khối u hắc tố của bé có kích thước lớn, lại nằm ngay trên khuôn mặt, bé cần được phẫu thuật sớm để không bị mặc cảm, tự ti khi lớn lên, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ ung thư hóa”, bác sĩ Thơm nói.
Hiện, sau 3 lần phẫu thuật, toàn bộ u hắc tố được cắt bỏ, trẻ tự tin hơn với diện mạo mới của mình. Dự kiến trong thời gian tới, bé sẽ được ghép mỡ Coleman ở vùng da trán để tạo sự mềm mại và sửa chữa sẹo thẩm mỹ.
U hắc tố bẩm sinh là bệnh lý khá phổ biến với khoảng 1% trẻ sơ sinh, nhưng u hắc tố khổng lồ lại rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/500.000 trẻ. Nguy cơ chuyển thành ác tính của loại u này khá cao, chiếm khoảng 6,3%.