Advertisement

Lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thực trạng vẫn chưa hết “nóng” hiện nay.

Những ứng dụng giả mạo cơ quan chức năng mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo. Ảnh: Internet Những ứng dụng giả mạo cơ quan chức năng mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo. Ảnh: Internet

Công tác truyền thông cảnh báo thực trạng này đã được các cơ quan chức năng quan tâm. Nhưng trên thực tế, các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao biến tướng liên tục nên người dân vẫn bị “sập bẫy” kẻ gian.

* “Sập bẫy” đầu tư chứng khoán, ngoại hối

Thượng tá Nguyễn Đình Khuyên, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh cho biết, nắm bắt tâm lý muốn đầu tư làm giàu nhanh, sinh lợi nhuận cao, ít rủi ro, cùng với sự thiếu hiểu biết của nhiều người mà các đối tượng xấu dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo thượng tá Nguyễn Đình Khuyên, đầu tư chứng khoán, ngoại hối không phải dễ dàng đem lại lợi nhuận, không phải tổ chức nào cũng được phép môi giới và quan trọng nhất là người tham gia cần sự am hiểu kiến thức về kinh tế, tài chính khi đầu tư. Thế nhưng, khi có người lạ giới thiệu và đặt vấn đề về lĩnh vực này, nhiều người vì không rành về đầu tư chứng khoán, ngoại hối đã dễ dàng tin và làm theo hướng dẫn, để rồi “sập bẫy” lừa đảo mất tiền tỷ.

Theo PA05 Công an tỉnh, người dân nên thường xuyên truy cập fanpage của PA05 Công an tỉnh theo địa chỉ: https://facebook.com/anm.cadongnai để cập nhật thêm nhiều thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng.

Gần đây nhất, vào ngày 18-4, anh N.V.H. (ngụ tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc gọi của người lạ giới thiệu là nhân viên Công ty Giao dịch chứng khoán KTB và mời anh tham gia lớp học đầu tư chứng khoán trực tuyến do “thầy Phú” hướng dẫn. Khi anh H. đồng ý tham gia thì đối tượng gửi đường dẫn đến nhóm Telegram nội bộ và hướng dẫn anh cài đặt ứng dụng giao dịch chứng khoán “KTB” trên điện thoại di động.

Trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 25-5 anh H. đã bị dụ nạp tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng mà các đối tượng chỉ định để tham gia đầu tư và bị các đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

Tương tự, vào khoảng tháng 5-2023, anh P. (ngụ tỉnh Đồng Nai) “sập bẫy” khi được đối tượng lạ giới thiệu và mời gọi đầu tư ngoại hối để kiếm thêm thu nhập. Sau nhiều lần mời gọi, đối tượng đã gửi cho anh đường dẫn liên kết để tìm hiểu. Anh P. làm theo hướng dẫn,  nộp vào 24 triệu đồng để tham gia đầu tư và đã thu về 27 triệu đồng.

Sau đó, đối tượng tiếp tục dẫn dụ anh P. tham gia đầu tư số tiền lớn hơn. Tuy nhiên, khi có lợi nhuận, anh P. muốn rút tiền thì đối tượng tìm cách trì hoãn và yêu cầu anh phải trích lại 30% lợi nhuận để đóng phí, thuế… Tin tưởng, anh P. tiếp tục nộp vào tài khoản cho đối tượng số tiền 2 tỷ đồng thì bị cắt liên lạc và chiếm đoạt số tiền này.

* Tạo ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước để lừa đảo

Theo PA05 Công an tỉnh, các đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để các ứng dụng trên thiết bị di động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo gửi đường dẫn trực tiếp cho nạn nhân, mạo danh các ứng dụng của cơ quan nhà nước như: Bộ Công an, dịch vụ khai thuế… để lừa đảo. Sau khi dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng trên, đối tượng xấu sẽ chiếm đoạt quyền truy cập vào toàn bộ dữ liệu điện thoại như: thông tin ứng dụng, tài khoản, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, các tập tin tài liệu, mã OTP (thường sử dụng để xác thực khi giao dịch ngân hàng)… Sau khi có các dữ liệu này, các đối tượng tìm cách đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng của nạn nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Như trường hợp của anh T.C.L. (ngụ TP.Biên Hòa) đã bị các đối tượng lừa đảo cài đặt ứng dụng giả mạo Bộ Công an và bị chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Anh L. cho biết, anh nhận được tin nhắn của “cơ quan công an” thông báo rằng anh đang gặp rắc rối vì có liên quan đến đường dây cá độ bóng đá lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Theo hướng dẫn của đối tượng, anh L. chỉ việc tải ứng dụng và cài đặt app của Bộ Công an để chứng minh tài chính là có thể giải quyết vụ việc. Tin tưởng đây là ứng dụng của cơ quan chức năng, anh L. làm theo các hướng dẫn. Sau đó, toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh L. đã biến mất.

Theo cơ quan công an, mặc dù anh L. không thực hiện bất kỳ thao tác nào trên ứng dụng giả mạo này nhưng bằng nhiều chiêu thức tinh vi, các đối tượng đã xâm nhập ứng dụng ngân hàng trong điện thoại của anh và chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản.

Tương tự, vào cuối tháng 5-2023, chị T.T.Y. (ngụ TP.Biên Hòa) nhận được điện thoại của một người tự xưng “cán bộ ngành thuế” và yêu cầu chị cài đặt ứng dụng kê khai thuế qua mạng, đồng thời gửi đường link hướng dẫn.

Tin tưởng người này là cán bộ ngành thuế, chị Y. đã tải ứng dụng và làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, qua những thao tác cài đặt ứng dụng trên, đối tượng lừa đảo đã nắm được toàn bộ thông tin dữ liệu trên điện thoại của chị Y. và chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Theo thượng tá Nguyễn Đình Khuyên, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo bằng việc dụ cài đặt các ứng dụng, tham gia các hoạt động đầu tư chứng khoán, ngoại hối… nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mỗi người dân phải hết sức cảnh giác. Người dân tuyệt đối không truy cập các trang thông tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến.

Khi phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời thông báo cho công an nơi cư trú, nhắn tin vào fanpage của PA05 Công an tỉnh theo địa chỉ: https://facebook.com/anm.cadongnai (hoặc qua số điện thoại 0251.3685134) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

https://baodongnai.com.vn/phapluat/202306/chieu-tro-lua-dao-tren-mang-tiep-tuc-bien-tuong-tinh-vi-3170149/

Advertisement

By admin