Xây dựng lớp học hạnh phúc, an toàn
Công tác tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai – nay là Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, huyện Thanh Trì từ năm 2014, cô Ngô Thị Hà (SN 1987, quê Thái Nguyên) đã có rất nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và được các đồng nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả.
Tâm sự với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Hà chia sẻ, mình đã trải qua tuổi thơ đầy gian khó khi ở cùng với bà ngoại bị khuyết tật và mẹ cùng người em gái song sinh. Có những thời điểm, việc có một bữa cơm no bụng cũng là một mong ước của hai chị em. Tuy vậy, mẹ vẫn quyết tâm cho chị em đi học.
Hơn 10 năm học dưới ngọn đèn dầu, tranh thủ học bài trong những ngày đi hái chè giúp mẹ, cả hai chị em cô Hà khao khát sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hai chị em luôn là học sinh tốp đầu của trường. Đến nay, người em gái song sinh đã tìm một hướng đi khác, còn cô Hà vẫn quyết tâm theo nghề giáo
Cô trò cùng nhau tham gia Ngày hội đọc sách đầy hào hứng.
Cô Ngô Thị Hà đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh Tiểu học. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng khi tổ chức các hoạt động giáo dục ở nhà trường. Cô chú trọng xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí về an toàn.
“Tôi đã tham mưu với BGH về những việc làm đảm bảo an toàn cho học sinh toàn trường như làm lưới chắn ở các dãy hành lang, làm hàng rào chắn ở bờ sông trước cổng trường, xây khu vực bao quanh bốt điện, làm biển cấm để cảnh báo học sinh không được đến gần bốt điện” – cô Hà bày tỏ.
Tiết Địa lý bài: “Một số dân tộc ở Hoàng Liên Sơn”, cô Hà đã mời 1 phụ huynh học sinh của lớp là người dân tộc Thái, mặc trang phục dân tộc đến lớp để chia sẻ với các em.
Cô luôn yêu thương, tôn trọng, đối xử công bằng và luôn quan tâm đến tất cả học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Lớp học của cô có hộp thư “Điều em muốn nói” để học sinh chia sẻ những suy nghĩ khó nói của mình. Cô Hà thường đọc những chia sẻ đó vào những ngày cuối tuần để hiểu các em hơn. Từ đó có những điều chỉnh về phương pháp giáo dục trong quá trình đồng hành cùng các em.
“Để dạy học phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, mỗi người giáo viên cần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận với những phương pháp dạy học tích cực, mô hình lớp học kết nối. Tôi muốn lan tỏa đam mê với nghề tới các đồng nghiệp, lan tỏa lối sống tích cực, say mê học tập cho các em học sinh”, cô Ngô Thị Hà tâm sự.
Áp dụng công nghệ vào giảng dạy
Lớp học kết nối giáo dục STEM tới Trường Tiểu học Hương Sơn, TP Thái Nguyên của lớp 5A6 do cô Ngô Thị Hà làm chủ nhiệm.
Cô Hà cùng tổ chuyên môn đã xây dựng hệ thống bài giảng Power Point cho tất cả các môn học của khối lớp mình phụ trách. Xây dựng được các bài giảng E-Learning, sưu tầm và biên tập các video tư liệu làm giàu cho kho học liệu của nhà trường và đưa lên trang Padlet của lớp.
Ngoài ra, cô xây dựng lớp học mở – lớp học kết nối với một số trường tiểu học tại Hà Nội như: Tiểu học Vân Canh, Tiểu học Giáp Bát, Tiểu học Cao Bá Quát. Điển hình là khi dạy Địa lý bài: Trung du Bắc Bộ, cô cũng đã dạy học kết nối với học sinh trường Tiểu học Số 1 Văn Hán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Tiết học đó giúp học sinh hai trường được tìm hiểu về đặc điểm cây trồng giữa hai vùng miền.
Công nghệ AI hỗ trợ cô Hà rất nhiều trong quá trình học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Đặc biệt, khi công nghệ AI – trí tuệ nhân tạo phát triển, cô Hà tự học, tự nghiên cứu và bước đầu ứng dụng hiệu quả vào nhiều hoạt động. Cô đã sở hữu công nghệ Chat GPT để giải đáp các thắc mắc của học sinh, phần nào đó hỗ trợ việc giảng dạy cho các em; xây dựng một số video trả lời câu hỏi cho học sinh bằng ứng dụng công nghệ AI; phối hợp với đồng nghiệp sử dụng Chat GPT để xây dựng Kế hoạch bài dạy STEM làm giàu cho kho học liệu số của nhà trường.
“Tôi đã xây dựng các bài học trực tuyến, các bài luyện Toán quốc gia và Toán quốc tế, sưu tầm các thước phim Lịch sử để học sinh tham gia học tập và gửi trên trang Padlet của lớp. Dự kiến trong năm học này, tôi sẽ phối hợp với các giáo viên trong tổ chuyên môn xây dựng các video hỗ trợ cho việc giảng dạy Địa lý lớp 4. Dù có một số kết quả bước đầu nhưng tôi sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để lan tỏa yêu thương và trí thức tới học trò” – cô Hà cho biết thêm.
Cô Ngô Thị Hà được trao giải thưởng “Nhà giáo Thanh Trì tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VII năm học 2022-2023.
Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô Ngô Thị Hà cũng được biết đến với nhiều hoạt động xã hội vì cộng đồng. Trong đó có 3 năm dẫn dắt đội tuyển Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè của xã; hỗ trợ Tổ Covid cộng đồng, tổ hỗ trợ cài mã định danh điện tử của xã. Tham gia Hội Thiện tâm Hà Nội, nhóm Kết nối yêu thương để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, duy trì Bếp ăn 0 đồng cho bệnh nhân ở viện K Tân Triều…
Là một phụ huynh khối 5, chị Trần Thị Trang đánh giá: “Qua những năm con tôi học tại trường, tôi cảm nhận rõ được sự tiến bộ và hào hứng của con mỗi ngày đến trường. Tôi thấy cô Ngô Thị Hà cũng như các thầy cô đều rất tâm huyết, vì học sinh để tạo cho các con có cơ hội được phát triển bản thân. Với phụ huynh, cô Hà cũng cư xử rất đúng mực, nhã nhặn và trao đổi thẳng thắn về tình hình học tập của các con nên học sinh rất quý cô”.
Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, cô Hoàng Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần vượt khó, yêu nghề của cô Ngô Thị Hà. Vừa qua, cô Ngô Thị Hà đã đại diện cho nhà trường dự thi “Nhà giáo Thanh Trì tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VII năm học 2022-2023 và đạt giải cao. Đây thực sự là tấm gương sáng về tình yêu nghề, tâm huyết với học sinh đáng được lan tỏa trong ngành Giáo dục Thủ đô.