Những gì các con được tiếp thu có thể khác với những điều bố mẹ đã từng học trước kia nên trước khi khăng khăng cô giáo sai, cha mẹ cần xem kỹ lưỡng bài tập của con.
Đã qua rồi cái thời cộng, trừ, nhân, chia chỉ đơn giản là công thức khuôn mẫu, áp dụng rồi cho tính ra kết quả. Học sinh bây giờ ngoài kiến thức căn bản của các môn học, còn phải biết vận dụng phân tích đối với những bài tập nâng cao để rèn luyện khả năng giải quyết một bài toán khó, đòi hỏi tư duy.
Một số bài tập toán tư duy được thiết kế để giúp các em dần hoàn thiện những kỹ năng tính toán này. Tuy nhiên, vì có những bài tập khá lạ lẫm với cha mẹ học sinh nên đôi khi vì bất đồng mà xảy ra những tình huống làm mất đi mối tương giao tốt đẹp giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Có một câu chuyện diễn ra tại lớp học toán cấp tiểu học ở Trung Quốc. Người kể câu chuyện này cũng là một trong những nhân vật chính.
Hôm ấy, con trai của chị về nhà đưa ra bài tập toán bị cô giáo gạch sai. Đề bài như sau: “Có 10kg muối, ăn 3 trước 3kg, sau đó ăn thêm 2kg. Tổng cộng thiếu bao nhiêu kg muối?”
Ảnh minh họa: douyin
Bài giải của con chị là lấy 10 – 3 – 2 = 5 (kg). Người mẹ chỉ nhìn phép tính của con nên càng hoang mang cho rằng cô giáo đã nhầm lẫn trong lúc chấm bài nên mới gạch sai toàn bộ bài toán giải của con trai mình. Vì bức xúc, chị đã tìm gặp để chất vấn cô giáo ngay. Tuy nhiên, cô giáo lại rất điềm tĩnh, khẳng định mình không hề nhầm lẫn gì trong lúc chấm bài. Bài toán em học sinh làm cho kết quả không sai nhưng đặt phép tính không đúng và cả bài toán vì vậy chưa đúng.
Theo lời giáo viên, đề bài toán quá rõ yêu cầu tìm gì nhưng do em học sinh không đọc kĩ đề, không phân tích các dữ liệu để đưa ra phép tính đúng.
Bài toán đúng cô giáo đưa ra là: 3 + 2 = 5 (kg) vì bài toán chỉ hỏi thiếu bao nhiêu kg muối. Nếu bài toán hỏi còn thừa bao nhiêu kg muối thì khi đó bài giải như con trai của vị phụ huynh đưa ra ở trên sẽ đúng.
Đây là bài toán có dữ liệu tổng lượng muối ban đầu là 10kg nhưng khi giải không dùng để đặt phép tính mà là dùng nó để phân tích bài giải. Nó là yếu tố phân loại học sinh, đòi hỏi phải cẩn thận, không được hấp tấp, vội vàng mà hiểu sai yêu cầu của đề. Đồng thời bắt buộc học sinh phải vận dụng tư duy để giải chứ không chỉ học vẹt, làm theo dạng bài mẫu quen thuộc.
Khi nghe cô giáo phân tích đến mức này, từ chỗ bức xúc, người mẹ ngượng ngùng vì đã quá vội vàng kết luận cô giáo nhầm lẫn. Cô giáo thì ngược lại, không trách phụ huynh, còn nhẹ nhàng giải thích: “Dù kết quả của con không sai nhưng cách giải quyết yêu cầu bài toán chưa đúng. Vì vậy nên cô không thể chấm đúng cho con được.”
Đúng thật, vì con số đề ra trùng hợp cho kết quả đúng là 5 nhưng nếu không phải may mắn ngẫu nhiên mà là những con số khác được thay vào bài toán thì chắc chắn bài giải của bé trai kia sẽ cho kết quả khác.
Ảnh minh họa: Zhihu
Là cha mẹ, khi đồng hành cùng con trong quá trình học tập, nếu kết quả của con không như mong đợi, đừng bao giờ vội vàng quy kết thầy cô giáo có lỗi và luôn khẳng định con mình đúng. Trước khi phán xét đúng, sai, cần phân tích kỹ lưỡng. Điều này sẽ tránh được những bực dọc thừa thải tự rước vào mình, càng không phải vướng vào tình huống phải cúi mặt ngượng ngùng khi hóa ra người không đúng là mình và con, chứ không phải thầy cô giáo.
Khi được đứng trên bục giảng, thầy cô giáo trước hết phải là những người có chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Các thầy cô được đào tạo với chương trình cập nhật mới, phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Những kiến thức đó có thể từ thời của cha mẹ chưa được áp dụng hoặc nếu có cũng không phổ biến. Muốn trực tiếp dạy con, cha mẹ phải chủ động tiếp thu và tìm tòi những phương pháp học tập hiệu quả, những kiến thức phù hợp với thời đại.
Khi giám sát trẻ hoàn thành bài tập, bố mẹ đừng nhìn chằm chằm vào bài tập sai của trẻ mà chỉ trích. Một số cha mẹ ngay khi phát hiện con làm bài sai thì tỏ ra sốt ruột, yêu cầu con phải sửa đáp án ngay. Cách làm này không những không giúp trẻ tự nhìn ra lỗ hổng của mình để rút kinh nghiệm mà còn gây áp lực tâm lý khiến trẻ sợ học. Cách đúng phải làm là hỏi xem con nắm nội dung bài tập đến đâu, sau đó để con tự sửa lỗi sai của mình. Khi con cần chấm bài, cha mẹ sẽ kiểm tra lại cho con xem đã đúng chưa. Nếu con đã tìm được hướng giải đúng nên khích lệ con bằng một lời khen hoặc lời cổ vũ. Khi con vẫn chưa làm đúng, hãy khuyến khích con kiên nhẫn tư duy thay vì trách mắng. Dù con sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để tìm tòi cách giải đúng sau lần giải sai nhưng đó mới là cách học tập đúng, giúp trẻ nhớ lâu và nảy ra những ý tưởng tìm tòi mới.
Nguồn: https://www.webtretho.com/p/con-tinh-10325-co-giao-gach-sai-ca-bai-toan-me-buc-xuc-da-doi-roi-nguong-ngung-nhan-sai