Advertisement

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7, thay thế luật Căn cước công dân. Từ thời điểm này, thẻ căn cước công dân cũng chính thức có tên gọi mới là thẻ căn cước, với nhiều thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an), cho biết Bộ Công an đang dồn nhân lực để “chuẩn bị mọi thứ” trước khi luật Căn cước được áp dụng.

Từ 1.7, Bộ Công an tiến hành cấp, đổi thẻ căn cước cho người dân. Nhật Thịnh

Thẻ căn cước khác gì thẻ CCCD?

Nhằm triển khai luật Căn cước, Bộ Công an đang xây dựng thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước. Không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất rất nhiều điểm khác biệt so với thẻ căn cước công dân (CCCD).

Trong đó, mục “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”, đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” thành “Bộ Công an”.

Trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải – vốn là những thông tin quen thuộc thể hiện trên chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD hàng chục năm qua.

Theo Bộ Công an, việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhân dạng trên mẫu thẻ mới nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy không còn thể hiện trên mặt thẻ nhưng những thông tin này vẫn sẽ được quản lý thông qua bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ (chip điện tử). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin bằng các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.

Advertisement

By admin