Advertisement

Kinhtedothi – Tuần qua chứng kiến giá vàng SJC tại thị trường trong nước giảm mạnh đi ngược với thị trường quốc tế. Giá vàng thế giới bất ngờ tăng mạnh phiên cuối tuần lên trên ngưỡng 2.400 USD/ounce.

Thế giới tăng mạnh mẽ

Chốt phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á đứng ở quanh ngưỡng trên 2.414 USD/ounce. So với chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng mạnh hơn 54 USD/ounce.

Tuần qua, thị trường vàng quốc tế đón nhận khá nhiều thông tin kinh tế từ các nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu.Trong đó, Mỹ công bố dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024.

Theo đó, chỉ số PPI tăng mạnh so với dự báo trong tháng 4/2024, với mức tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo trước đó tăng 0,3%, cao hơn rất nhiều mức đạt được tháng 3 đã điều chỉnh là giảm 0,1%.

Chỉ số PPI lõi (sau khi đã loại trừ thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn dự báo trước đó là 0,2% và cao hơn rất nhiều mức giảm 0,1% của tháng trước. Mặc dù, chỉ số CPI trong tháng 4/2024 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo trước đó tăng 0,4%, nhưng CPI tính theo năm vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ giảm nhẹ hơn mức tăng của tháng trước là 3,5%.

 

Giá vàng thế giới tăng vọt. Ảnh minh họa.
Cùng với Mỹ, châu Âu cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng chỉ đi ngang tháng trước. Lạm phát vẫn ở mức cao, do đó thị trường lo ngại rằng các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu là Cục dự trữ Liên bang và ECB sẽ chưa cắt giảm lãi suất điều hành đồng USD vào tháng 9 năm nay như dự báo trước đó.

Ngược lại với Mỹ và châu Âu giá cả “cứng đầu” khó điều chỉnh giảm thì Trung Quốc giá nhà lại giảm sâu, bất chấp chính phủ và các cơ quan chức năng nước này đã có nhiều biện pháp “cứu” thị trường bất động sản. Doanh số bán lẻ tháng 4 tại Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Những dữ liệu kinh tế trái chiều của 3 nền kinh tế và khu vực có nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cho thấy viễn cảnh kinh tế khó lường. Trong khi tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc đang giảm sút thì Mỹ lại đánh thuế tăng nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc và quốc gia này.

Theo đó, thuế đối với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời được nâng từ 25% lên 50%; một số sản phẩm thép, nhôm sẽ được nâng từ 0% lên 25%; xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%…

Tổng cộng các biện pháp đánh thuế mới của Mỹ đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ là 18 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 300 tỷ USD đã đánh trước đó từ thời ông Donald Trump kể từ 2018.

Những thông tin kinh tế kém hơn dự báo, cộng với căng thẳng địa chính trị và căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã khiến giới đầu tư lo ngại rủi ro gia tăng trên thị trường.

Trong khi đó, đồng USD đã giảm mạnh trong giỏ tháng toán quốc tế, do đó nhà đầu tư đã chuyển từ năm giữ USD sang đầu cơ vàng, đẩy giá kim loại quý tăng cao.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Thị trường trong nước chốt phiên cuối tuần 18/5, giá vàng miếng SJC vẫn tăng khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm của các cơ sở kinh doanh vàng tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tuần qua đánh dấu một tuần giá vàng SJC giảm mạnh, đi ngược thị trường quốc tế.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 87,7 – 90,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và tăng mạnh 500.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán tăng từ mức 2,5 triệu đồng lên 2,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua – bán ở quanh mức 87,7 – 89,8 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 87,85 – 91,1 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 400.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán tăng từ mức 2,25 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn phiên 18/5 đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 75,72 – 77,12 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 340.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 75,8 – 77,4 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 300.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước Chênh lệch mua – bán ở mức 1,7 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu giá thành công 12.300 lượng vàng miếng SJC, với giá trúng thầu rất cao, giá trúng thầu cao nhất là 88.920.000 đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 88.890.000 đồng/lượng.

Mặc dù vậy, nhưng giá vàng SJC chịu áp lực từ việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng bạc tại TP Hồ Chí Minh và phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh.

Giá vàng SJC vì thế trong tuần đã giảm mạnh 800.000 đồng/lượng trên thị trường tự do so với chốt phiên tuần trước. Giá vàng SJC tại Doji trong tuần giảm mạnh 1,6 triệu đồng/lượng so với chốt phiên tuần trước. Chỉ có Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng miếng SJC lên 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên tuần trước.

Chuyên gia nhận định, giá vàng miếng SJC còn diễn biến khó lường khi cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng tại các cơ sở. Có thể vàng SJC sẽ thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới. Hiện giá vàng thế giới đang ở mức trên 72,6 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí. Do đó, chuyên gia vẫn khuyên nhà đầu tư nên thận trọng khi giao dịch tại thời điểm này.

Advertisement

By admin