Advertisement

Theo dõi vụ bé trai 10 tuổi lọt xuống hố trụ bê tông ở Đồng Tháp từ hôm 31/12/2022 tới giờ em vẫn  nóng lòng chờ kết quả các mẹ ạ.

Theo bài đăng trên báo Người Lao Động em đọc được trước đó, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 31/12/2022 tại công trường thi công cầu Rọc Sen ở tỉnh Đồng Tháp xuất hiện nhóm 4 đứa trẻ trong khoảng độ tuổi từ 10 – 12 lẻn vào. Thấy nhóm trẻ đi vào công trường thi công nguy hiểm nên bảo vệ đã đuổi ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, sau đó khoảng 20 phút, nhóm trẻ lại tiếp tục lẻn vào lúc các công nhân đang nghỉ trưa. Trong quá trình di chuyển, bé Thái Lý Hạo Nam, sinh năm 2012, đã lọt vào ống trụ bê tông có đường kính trong cọc 25cm và đường kính ngoài cọc 50cm.

Khi vừa lọt xuống trụ, cháu bé kêu cứu được khoảng 10 phút rồi mất hút luôn. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã huy động người cùng các thiết bị và phương án bơm oxy, nhổ cọc để cứu cháu bé. Dự kiến đến sáng nay ngày 03/01/2023, công tác nhổ cọc cứu hộ bé sẽ hoàn tất. Song đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tin tức cụ thể về hình ảnh của bé.

Theo hình ảnh minh họa về các phương pháp cứu cháu bé 10 tuổi lên khỏi mặt đất, rất đông cư dân mạng thắc mắc rằng với chiếc ống trụ bê tông có đường kính rộng 25cm, làm sao một cháu bé 10 tuổi có thể lọt xuống dưới được?

Ảnh: Phương án khoan, bơm nước và dùng hệ thống cẩu kéo trụ bêtông lên. Nguồn: VnExpress.

Nhiều người cho rằng đây là sự cố rất hy hữu và không ai có thể nghĩ một cháu bé 10 tuổi với thân hình đủ lớn làm sao có thể lọt xuống ống trụ bê tông có đường kính nhỏ hẹp như thế. Có người cho rằng hẳn là cháu bé phải rất gầy và nhỏ con so với tuổi nên mới bị lọt xuống ống trụ bê tông.

Đáng chú ý nhất là miệng trụ bê tông quá nhỏ nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, bởi họ không thể thả dây để leo xuống dưới như các trường hợp bình thường khác mà chỉ có thể bơm oxy và chuyền nước xuống rồi thực hiện biện pháp nhổ cọc cứu cháu lên.

Dẫu là giả thuyết và cách giải quyết thế nào đi chăng nữa, tất cả đều mong phép màu sẽ đến với cháu bé.

Theo dòng sự kiện này trên trang Nhân dân có đăng tải nhiều sự việc thương tâm liên quan đến hố công trình, quả thật đó là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình có con nhỏ.

Như vụ bé gái T.A 7 tuổi lọt dưới giếng sâu cách đây 7 năm trước ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong lúc chơi đùa cùng bạn bè ở bãi đất trống gần nhà, bé gái vô tình lọt vào lỗ sâu bên cạnh đường ống giếng khoan. Được biết, đường ống khoan giếng này sâu khoảng 80m và quá trình khoan, bên cạnh ống nhựa bị khoét lỗ song song có đường kính rộng 40cm và bé gái đã lọt theo đường này.

Lúc đó, lực lượng chức năng đã huy động người và phương tiện để đào đất, bơm oxy, chuyền sữa và nước để giúp bé gái duy trì sự sống. Rất may 10 giờ đồng hồ sau đó, bé gái đã được cứu ra khỏi vùng nguy hiểm trong tình trạng hoảng loạn và nhiều vết xây xát.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được may mắn như thế. Cách đây 2 năm, tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai xảy ra vụ việc bé trai 7 tuổi đi chơi với nhóm bạn ở khu vực công trình san lấp mặt bằng dự án khu dân cư Bửu Long. Đến khu vực ống cống đang thi công sâu chừng 3-4m, chưa có nắp đậy thì cháu bé rửa chân nhưng không may trượt chân ngã xuống cống, nhìn bạn rơi xuống các cháu bé còn lại hô hoán gọi người đến cứu. Song đến khi vớt lên cháu bé đã không còn sự sống.

Quá đau lòng phải không các mẹ? Bất kỳ ai trong chúng ta đọc những vụ việc như thế này xong đều cho rằng trách nhiệm phần lớn thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Bởi nếu họ đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu về an ninh cũng như an toàn cho công trình xây dựng này, chẳng hạn như ngoài việc rào dây chắn xung quanh công trình ra, đối với phần ống trụ bê tông sau khi đã được ép cọc cần được che đậy kỹ càng thì đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra như vậy.

Ảnh trái: Trụ bêtông cùng loại mà nạn nhân rơi xuống đường kính chỉ hơn 25 cm. Nguồn: VnExpress. Ảnh phải: Hiện trường lực lượng cứu hộ tiếp cận cứu cháu bé. Nguồn: Báo Người Lao Động.

Trong vụ việc này sau khi hoàn tất giải cứu cháu bé, có lẽ cơ quan chức năng sẽ xem xét kiểm tra trách nhiệm của cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công như thế nào, ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Tùy mức độ lỗi mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trách nhiệm dân sự trong vấn đề bồi thường thiệt hại. Đây là điều chắc chắn phải thực hiện bởi có phần lỗi của họ để xảy ra hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của con người.

Tuy nhiên, ít ai chú ý rằng trong vụ việc này lỗi phần nữa đến từ phía cha mẹ, các bậc phụ huynh của cháu bé. Nếu như họ quản lý con em một cách kỹ lưỡng và chu đáo thì đã không để con đi vào những nơi nguy hiểm như thế này rồi. Được biết, gia đình cháu bé thuộc diện khó khăn, cả cha mẹ đều đi làm thuê. Ngay khi nhận tin báo, cha cháu bé túc trực hiện trường, cầu mong con trai được cứu sống.

Hy vọng sau những vụ như thế này, chủ đầu tư và nhà thầu của các công trình thi công xây dựng cần chú ý nhiều hơn, đặt vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh là trên hết. Ngoài ra, không thể không kể đến trách nhiệm của cha mẹ cần quản lý con em sát sao, nhất là vào những dịp nghỉ hè hoặc cận Tết được nghỉ học. Chỉ cần một phút lơ là, con em mình có thể gặp hiểm nguy đấy các mẹ ạ.

https://www.webtretho.com/p/kho-hieu-be-trai-10-tuoi-lot-vao-ong-be-tong-rong-25cm-am-anh-nhung-ho-cong-trinh?fbclid=IwAR2ptRP1DigO6T7F5QWxyUlQuUEw5C8mZpMyy_1CzTm0nf9MB5dsyduPjZ0

Advertisement

By admin