Cả buổi tối ngày cuối tháng 6, gia đình anh Đức Hùng tranh cãi không dứt về việc thịt con chó 12 kg làm cỗ, cuối cùng phải bỏ phiếu để quyết định “ăn hay không ăn”.
Kết quả 12 trong 20 người chọn “không ăn thịt chó” khiến anh Hùng (47 tuổi) ở Tiên Lãng, Hải Phòng chấp nhận trong sự ấm ức. Theo quan điểm của anh, thịt chó Tiên Lãng là đặc sản nổi tiếng, người tỉnh khác còn tìm đến thưởng thức nên dùng làm cỗ đãi đứa cháu sắp ở nước ngoài về là hợp lý nhất. Và đặc biệt, ở nước ngoài “làm gì có thịt chó mà ăn”.
Ở phía ngược lại, những người thân của anh cho rằng nên bỏ ăn thịt chó vì chứa nhiều chất đạm, dễ mắc bệnh gout, mỡ máu và quan niệm chó là bạn của mỗi gia đình, việc giết mổ vô cùng man rợ.
“Từ trước đến nay trong các mâm cỗ đều có thịt chó giờ tự dưng bỏ, nhìn không còn gì hấp dẫn”, anh Hùng nói dỗi.
Một quán thịt chó trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai cắt cử nhân viên ra mời chào khách ghé quán, chiều tối 27/6. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Với anh Quốc Đạt (40 tuổi) ở Mê Linh (Hà Nội) thịt chó đã bị loại khỏi suy nghĩ từ gần chục năm nay. Trước kia, mỗi tháng anh thường rủ bạn đến quán thịt chó, mèo để “xả xui”, mong công việc thuận lợi. Mỗi lần giỗ chạp hoặc cuối năm về quê ở Hưng Yên, mấy gia đình lại chung nhau làm thịt một con chó loại hơn chục kg với lý do “ăn mãi thịt gà, vịt cũng chán”.
Anh Đạt thừa nhận việc bỏ ăn thịt chó chủ yếu do bạn bè không còn hưởng ứng trong khi vợ và con đều yêu động vật nên phản đối. Ở quê anh giờ mọi người cũng ít thịt chó do mỗi gia đình chỉ nuôi 1-2 con trông nhà, không bán nữa. “Thời gian đầu còn thèm, tôi hay mua về nhưng ăn một mình cũng chán, lâu dần thì bỏ hẳn”, anh Đạt tâm sự.
Ở Việt Nam, số người bỏ ăn thịt chó ngày càng nhiều. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là các lò giết mổ, các phố thịt chó rơi vào cảnh ế ẩm, vắng khách và phải bỏ nghề.
Gần trưa một ngày cuối tháng 6, ông Nguyễn Tiến, 70 tuổi, trú tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chán nản nhìn bàn thịt chó vẫn còn gần như nguyên vẹn, họa hoằn mới có khách ghé qua. “Hơn 40 năm làm nghề, chưa bao giờ tôi thấy ế ẩm như này”, ông Tiến nói.
Ông kể trước những năm 2010, trung bình mỗi tháng gia đình bán 1-2 tấn thịt, cung cấp chủ yếu cho các quán dọc ngoài đê sông Hồng phía Nhật Tân, Quảng Bá (quận Tây Hồ). Còn giờ, sức mua giảm đến 80%, các mối nhập quen ngày càng ít bởi nhiều “phố thịt chó” ở nội thành lụi tàn. Hiện mỗi ngày, gia đình ông Tiến mổ tối đa 6-7 con chó, giao cho các chợ trong huyện. Ngỡ tưởng dịp cuối tháng âm lịch hoặc cận Tết doanh thu sẽ cải thiện nhưng nhiều thời điểm không có khách mua, ông đành phải đưa vào cấp đông.
“Thôn Cao Hạ, xã Đức Giang từng được mệnh danh là “thủ phủ” của thịt chó mèo, trước có hơn chục lò mổ hoạt động, xe buôn bán ra vào tập nập nhưng nay chỉ còn 2-3 hộ, số còn lại đều chuyển nghề vì buôn bán ế ẩm”, ông Tiến nói.
Khảo sát của VnExpress cuối tháng 6 cho thấy, các phố từng nổi tiếng với việc buôn bán thịt chó ở Hà Nội như Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Tam Trinh (quận Hoàng Mai), Nhật Tân (quận Tây Hồ), Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa) hay đoạn đường 32 qua địa phận xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) nay chỉ còn 2-3 điểm hoạt động.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho thấy chỉ riêng năm 2018, sau quá trình vận động khoảng 30% cửa hàng kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn Hà Nội dừng hoạt động, giảm từ 1.100 cơ sở xuống còn 800.
“Sau 4 năm triển khai, số lượng cửa hàng, lò giết mổ chó mèo trên địa bàn thành phố đóng cửa tăng mạnh”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết.
Người Việt ngày càng nâng cao nhận thức về bảo vệ chó, mèo, coi vật nuôi như thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn
Lý giải về thực tế ngày càng nhiều người Việt quay lưng với thịt chó, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chỉ ra 4 nguyên nhân. Một là sự tác động của truyền thông đại chúng khiến người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật. Hai là người Việt khắt khe hơn trong việc lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, không tiềm ẩn dịch bệnh. Ba là nhiều người coi thú cưng như thành viên trong gia đình thay vì nuôi để bán hoặc giết thịt. Cuối cùng là không ít người bỏ ăn, tạo hiệu ứng dây chuyền.
Báo cáo tình hình Tiêu thụ thịt chó mèo năm 2021 của tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws củng cố thêm quan điểm của bà Hồng. Có 91% người tham gia khảo sát cho rằng nên đưa ra các khuyến nghị cấm hoặc không khuyến khích việc buôn bán thịt chó, mèo; 88% người Việt ủng hộ cấm nạn buôn bán này.
Cùng với việc bỏ ăn thịt chó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam còn nhận thấy sự gia tăng số lượng các diễn đàn nói không với thịt chó, mèo, câu lạc bộ bảo vệ động vật hay trạm cứu hộ.
Anh Nguyễn Minh Quang, 42 tuổi, trưởng trạm cứu hộ chó, mèo ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), nơi cưu mang 350 con chó, hơn 100 con mèo được giải cứu từ các lò mổ hoặc bị bỏ rơi, cho biết nạn buôn bán, hành hạ và giết mổ đã và đang nhiều người quan tâm.
“13 năm trước khi đi một mình đi chuộc chó, mèo tại các lò mổ không ít người nói tôi gàn dở. Nhưng bây giờ thì khác, tôi không làm một mình vì có cộng đồng giúp sức”, anh Quang nói. Từ chỗ cả tuần mới có một cuộc gọi nhờ hỗ trợ giải cứu động vật từ lò mổ thì nay mỗi ngày trạm cứu hộ nhận vài chục cuộc.
Mỗi chuồng tại trạm cứu hộ của anh Lê Minh Quang ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang chăm sóc 5-7 con chó được giải cứu từ các lò giết mổ. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt chó trực tiếp gây ra sự bùng phát bệnh sán chó, dịch tả và dại ở người. Do trong quá trình vận chuyển, hàng triệu con chó không rõ bệnh tật và tình trạng tiêm phòng bị nhồi nhét vào các lồng nhỏ trên xe tải, vận chuyển đường dài đến khu vực giam giữ tập trung hoặc tại chợ, lò giết mổ mất vệ sinh, dễ có nguy cơ lây nhiễm chéo.
Để hạn chế lây lan các bệnh từ chó, mèo, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh ý thức tự giác của người dân rất quan trọng. Theo đó, mỗi cá nhân nên từ bỏ dần thói quen ăn thịt chó để bảo vệ sức khỏe. Riêng các quận, huyện cần tăng cường chỉ đạo quản lý chó nuôi, kê khai đàn chó tại địa phương, hạn chế tối đa chó thả rông, làm tốt khâu tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
“Ở Việt Nam chưa có quy định nào về việc chấm dứt việc giết và tiêu thụ chó, mèo nhưng chúng ta có thể từng bước nghiên cứu việc giám sát, quản lý nghiêm quy trình giết mổ, kiểm dịch kèm theo hình thức xử lý xử phạt nếu vi phạm”, ông Sơn cho biết.