Advertisement

Phú Lê tên thật là Lê Văn Phú (40 tuổi, quê Yên Bái, sống Hà Nội), từng phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống qua ngày như: bán trà đá, cắt tóc… Trải qua những ngày tháng khó khăn, Phú Lê được “doanh nhân trẻ” Lã Thúy Kiều để ý.

Cả 2 về sống chung với nhau. Phú Lê bắt đầu kinh doanh sau đó lấn sân sang… đóng phim, làm YouTube.

Phú Lê và vợ, Thúy Kiều.

Nổi trên mạng xã hội , Phú Lê được giới trẻ biết đến như một “ca sĩ” giang hồ, “diễn viên” nghiệp dư với nhiều bài hát, phim ca nhạc nói về giang hồ.

Trong đó bộ phim ca nhạc “Đời là thế thôi”, chỉ sau một thời gian ngắn MV đã thu hút tới 68 triệu lượt xem, bài hát Đời là thế thôi được nhiều quán cà phê hay mở, có câu kinh điển mà nhiều 9X, 10X thuộc làu: “Khổ trước sướng sau thế mới giàu”.

Phú Lê còn góp mặt với vai chính bộ phim “Chạm mặt giang hồ” được tung lên kênh Youtube vào tháng 1/2019, trong đó Phú Lê cùng xuất hiện với Đường Nhuệ – bị can vừa bị bắt cách đây không lâu, với 35 triệu lượt xem.

Phú được giới trẻ biết đến với chiếc đầu trọc, cơ thể phủ kín những hình xăm, đeo rất nhiều vàng.

Facebook Phú Lê có hơn 400.000 theo dõi với nhiều hình ảnh đeo trang sức màu vàng kín người.

Riêng kênh YouTube của Phú Lê có gần 2 triệu đăng ký, đăng tải những tác phẩm âm nhạc, phim ca nhạc nội dung giảng đạo lý, tình anh em giang hồ cùng nhiều cảnh quay bạo lực nhưng có tới hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, Phú Lê luôn được các “dân chơi” phát cuồng, tôn sùng như idol với mối quan hệ khá thân thiết, hay giao hảo với các “giang hồ mạng”.

Trong khi đó, Thúy Kiều tên thật là Lã Thúy Kiều (35 tuổi, quê H.Bình Lục, Hà Nam). Facebook cá nhân của Thúy Kiều livestream bán hàng và có gần 120.000 lượt theo dõi.

Vợ chồng Phú Lê.

Mới đây nhất, ngày 3.10, UBND huyện Trạm Tấu và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có những thông tin liên quan việc việc “giang hồ mạng Phú Lê” ăn mặc như vua chúa nhảy múa, hát hò trong chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu), dịp Tết Trung thu vừa qua.

Ông Lê Chung Anh – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng đơn vị nhà trường báo cáo giải trình về tất cả các việc liên quan khi tổ chức một chương trình Trung thu như vậy.

Thông tin từ bà Nguyễn Thị Hà – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu, quá trình tổ chức, có những đơn vị độc lập có thể tổ chức riêng, có những đơn vị tổ chức chung, gồm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

“Tổng các đơn vị độc lập tổ chức riêng là có 15 địa điểm. Việc tổ chức lành mạnh, không có việc gì xảy ra”, bà Hà thông tin.

Riêng việc tổ chức Tết Trung thu tại Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì, bà Hà cho biết, theo kế hoạch của huyện, thời điểm đó có lãnh đạo được giao phụ trách địa bàn xã và lãnh đạo xã đến dự, trao quà tặng các cháu học sinh. Không khí vui tươi, không vấn đề gì.

Yêu cầu giải trình vụ "giang hồ mạng" Phú Lê mặc đồ vua nhà Thanh hát trước 500 học sinh

Tuy nhiên, theo bà Hà, sau khi tổ chức chung, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhận được thông tin, ngày hôm đó đoàn tới trao quà tặng học sinh. Tuy nhiên, thành phần đoàn mặc quần áo không đúng với văn hóa Việt Nam.

“Phòng đã yêu cầu nhà trường báo cáo, rút kinh nghiệm trong việc này, đồng thời chỉ đạo chung tới tất cả các đơn vị trường lưu ý trong công tác tổ chức”, bà Hà nói.

Bà Hà cho biết thêm, tại đơn vị trường Làng Nhì có số lượng học sinh tương đối lớn. Hôm tổ chức Tết Trung thu, đoàn trao tặng khoảng 500 suất quà, mỗi cháu được một chiếc đèn ông sao, một túi bánh trung thu và tổ chức bữa cơm chiều cho học sinh, tổng trị giá khoảng trên 90 triệu đồng.

Về công tác xử lý cá nhân ăn mặc phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục, bà Hà cho biết, trước mắt phòng đã báo cáo nội dung với các cấp quản lý và rút kinh nghiệm trong đơn vị.

“Trong báo cáo giải trình của thầy giáo, do nhận thức chưa nắm rõ hết về các thành phần của đoàn, dẫn tới quá trình tổ chức không kiểm soát được hết các nội dung nên dẫn tới việc này”, bà Hà nói

Advertisement

By admin