Advertisement

KTSG Online) – Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 sẽ tăng thêm nhiều quyền và lợi ích cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, có quy định là người từ 70 tuổi trở lên có thể được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực mang đến nhiều quyền, lợi ích cho người dân hơn. Ảnh: Minh Thảo
Sáng ngày 29-6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội, theo TTXVN.

So với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều thay đổi theo hướng gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân.

Trong đó, đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, quy định mức tối đa là 75% đồng thời quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra…

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó, luật mới cũng quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

 

Advertisement

By admin