Advertisement

Đi sửa máy điều hòa, có ai ngờ mình đi rồi không trở về đâu nè. Xem tin xong mà thấy đau lòng quá bà con ạ.

Theo bài đăng trên trang Thanh Niên em đọc được, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 20/4/2023, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hôm ấy, chị P. chủ nhà phát hiện máy điều hòa bị hỏng nên mới gọi thợ tới sửa. Trong quá trình sửa, cả 2 người thợ trèo lên mái tôn nhà chị để kiểm tra cục nóng điều hòa. Clip ghi lại nh3 một người thợ ngồi cạnh cục nóng điều hòa, đang loay hoay sửa, người còn lại bước đi trên mái tôn và hướng về phía người kia. Khi người thợ thứ 2 vừa bước tới chỗ cục nóng, cúi xuống thì bất ngờ cục nóng phát nổ.

hình ảnh

Ảnh: Nạn nhân được sơ cứu trước khi đưa đến bệnh viện. Nguồn: Kinh tế Đô thị.

Sau tiếng nổ, cả 2 người thợ được đưa đến bệnh viện nhưng có 1 người không qua khỏi, còn 1 người bị thương nặng nên vẫn đang nằm viện để được điều trị. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng có mặt ở hiện trường để điều tra nguyên nhân và làm rõ. Tại đây, họ xác định nguyên nhân của vụ nổ cục nóng điều hòa là do nổ khí gas.

Trong khi đó, một số người dân thông tin thêm rằng khả năng cao là nổ khí gas của bình hàn gió đá trong lúc hàn ống đồng của máy điều hòa, chứ block nén máy lạnh không thể nổ do khí gas dàn lạnh là khí trơ, không gây cháy nổ. Ngoài ra, ý kiến khác cho rằng áp suất gas lạnh cao nhất là trên 200 psi và block nén lạnh đều có hệ thống bảo vệ, rất khó nổ được nhưng nếu nén bằng oxy thì sẽ nổ.

Mặt khác, theo bài đăng trên báo Tuổi trẻ chia sẻ thông tin từ Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trí, hiện đang là Giảng viên của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn nổ cục nóng điều hòa:

1. Nhân viên kỹ thuật hàn xì dàn nóng và thử kín với áp suất cao

Thực tế quá trình hàn sinh ra nhiệt độ cao lên tới 1.000 độ C làm tăng độ ẩm bên trong đường ống, lúc này các nhân viên kỹ thuật tiếp tục nạp oxy để thử xì. Vì áp suất kín khoảng 300 psi và có thể lên đến 500 psi (nếu thử bền), trong khi cụm dàn nóng có máy nén và dầu bên trong nên sản sinh quá trình trao đổi nhiệt và gặp nhiệt độ cao sẽ gây cháy, áp suất tăng đột ngột sẽ gây nổ.

Còn phải chờ kết quả điều tra nguyên nhân vụ nổ như thế nào nhưng theo Thạc sĩ Trí sau khi xem đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều khả năng đây là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc đáng tiếc.

Đồng ý với ý kiến này, có người cho rằng không nên vì thấy tiện dụng sẵn có mà dùng bình oxy để hàn xì và thử độ bền ở áp suất cao cho dàn ống sau khi hàn xong, bởi việc làm này gây nguy hiểm vô cùng nên tuyệt đối cấm kỵ.

2. Nhân viên kỹ thuật dùng gas R32 lẫn khí không ngưng nhưng không có thiết bị bảo vệ máy nén

Không hút chân không hoặc không đuổi gió đúng cách sẽ làm sót lượng khí không ngưng bên trong. Gas lạnh vốn không có tính cháy nổ trong điều kiện bình thường nhưng loại R32 thì có thể xảy ra. Ngoài ra, nhiều trường hợp không có rờ-le bảo vệ quá dòng và nhân viên kỹ thuật chủ quan không dùng đồng hồ ampe để kẹp kiểm tra nên không giải nhiệt được, làm áp suất tăng cao gây quá tải và cháy động cơ.

3. Nghẹt cáp trong hệ thống dùng gas R32

Gas bị ‘nhốt’ lại trong cục nóng và máy nén chạy quá tải, không có thiết bị bảo vệ làm cháy động cơ nên tạo ra nguồn nhiệt sinh lửa cháy.

Thực tế thời gian qua không hiếm các vụ nổ tương tự, nguyên nhân lớn đến từ lỗi chủ quan của các nhân viên kỹ thuật. Vậy nên, các hãng điều hòa cũng đã đưa ra loạt cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên trong quá trình sửa chữa cũng như bảo trì:

– Tuyệt đối tránh để không khí lẫn vào trong quá trình thu hồi gas.

– Không nên nhốt gas lại trong trường hợp có khả năng trộn không khí trong hệ thống hoặc khí bị rò rỉ.

– Dùng máy thu hồi để thu hồi chất làm lạnh.

– Quá trình bơm rút nên dừng máy nén trước khi tháo hệ thống ống môi chất lạnh, còn nếu máy nén vẫn chạy và van khóa vẫn mở thì không khí sẽ bị hút vào đường ống môi chất lạnh được tháo ra, điều này dẫn đến áp suất tăng giảm bất thường có thể gây hỏng máy và gây nguy hiểm cho nhân viên kỹ thuật.

– Chú ý loại gas khi sạc cho máy điều hòa bởi mỗi loại sẽ có dầu bôi trơn khác nhau, nếu sạc nhầm sẽ khiến máy không hoạt động được và dẫn đến tắc nghẽn, một khi bị nghẹt sẽ làm tăng áp suất và nguy cơ cháy nổ là rất lớn.

hình ảnh

 

Ảnh cắt từ clip vụ nổ cục nóng điều hòa ở tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn: Báo Tuổi trẻ.

Nói tóm lại, không phải cứ học ngày 1 ngày 2 là có thể trở thành nhân viên kỹ thuật sửa chữa máy điều hòa, tất cả đều phải được đào tạo bài bản để ít nhất bảo vệ an toàn cho mình, tránh được các sự cố không mong muốn xảy ra trong quá trình làm việc.

Sự cố đáng tiếc này xảy ra lần nữa nhắc nhở các kỹ thuật viên sửa chữa máy điều hòa cần phải cẩn trọng hơn trong từng bước thực hiện công việc của mình, chỉ một chút sơ sẩy có thể không cứu vãn được nữa.

Advertisement

By admin