Sau khi chồng qua đời, nghe theo lời cháu ruột ký giấy tờ chia đất cho con, cụ Lê Thị Tứ (70 tuổi, ngụ Bến Tre) lâm vào nghịch cảnh \’cho ở nhờ mất luôn nhà\’. Chưa kịp chia đất cho con nuôi thì mất sạch
Trình bày với PV Thanh Niên, cụ Lê Thị Tứ (70 tuổi, ngụ số 109, đường Nguyễn Huệ, P.Phú Khương, TP.Bến Tre, Bến Tre) cho biết mình đang mòn mỏi chờ cơ quan chức năng thi hành bản án mà TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên, liên quan đến căn nhà mà cụ Tứ “cho cháu ở nhà, bỗng dưng mất nhà”.
PV Thanh Niên ghi nhận địa chỉ người cháu ruột mà cụ Tứ phản ánh là một tiệm bách hóa lớn tên Anh Trung. Vị trí tiệm bách hóa thuộc “đất vàng” tại TP.Bến Tre.
Theo xác nhận của UBND P.Phú Khương, khoảng 5 năm trước, cụ Tứ có ủy quyền cho ông Nguyễn Anh Trung (48 tuổi, gọi cụ Tứ là dì ruột) làm thủ tục chuyển hộ khẩu về xã Tam Phước, H.Châu Thành, Bến Tre. Ngôi nhà bằng gỗ gõ đỏ cụ Tứ trình bày trong đơn tọa lạc trên thửa đất rộng gần 450 m2 (hiện do vợ, chồng ông Trung sử dụng) mà trước đó vợ, chồng cụ ở, hiện cũng không còn. Quyền sở hữu thửa đất này hiện do ông Nguyễn Anh Trung đứng tên.
Cụ Lê Thị Tứ hiện phải ở nhờ tại nhà người quen ở H.Châu Thành, Bến Tre
BẮC BÌNH
Liên lạc lại với cụ Tứ thì được biết sau khi bị mất nhà và đất, trong khoảng 5 năm qua, cụ không có nơi ở ổn định, phải nương tựa trong nhà những người quen, mỗi chỗ ở được vài ngày. Bệnh đau không tiền chạy chữa.
Theo trình bày của cụ Tứ và hồ sơ có trong vụ án liên quan, từ trước năm 1980, cụ Tứ và chồng là cụ Trần Văn Năm ở trong ngôi nhà bằng gỗ gõ đỏ, cất trên thửa đất rộng 450 m2, thuộc thửa số 06, tờ bản đồ số 11, P.Phú Khương, TP.Bến Tre (tức diện tích đất mà vợ, chồng ông Trung đang sử dụng). Thửa đất và ngôi nhà gỗ là tài sản riêng của cụ Năm. Do không có con nên vào năm 1983, vợ chồng cụ nhận Trần Thị Tường Vi làm con nuôi. Năm 2005, chị Tường Vi theo chồng, định cư bên Mỹ cho đến nay.
Năm 2012, cụ Năm qua đời mà không để lại di chúc. Lúc này, vợ chồng cháu ruột cụ Tứ là Nguyễn Anh Trung và Lê Thị Thùy Diễm dọn đến, ở nhờ trong ngôi nhà tiền chế cất trên thửa đất của cụ Năm để làm nơi bán tạp hóa mưu sinh.
Sau khi cụ Năm qua đời, do tuổi già, không am hiểu pháp luật nên cụ Tứ ủy quyền cho cháu ruột Nguyễn Anh Trung chia 1/2 di sản thừa kế cho Tường Vi. Theo lời khai cụ Tứ, tháng 1.2014, Trung đưa cụ đến Văn phòng Công chứng Đồng Khởi khai nhận di sản thừa kế và ký các loại giấy khác mà cụ không biết là đã ký tên vào những giấy tờ gì.
Tháng 2.2014, thửa đất rộng 450 m2 cụ Năm để lại được UBND TP.Bến Tre cấp quyền sử dụng đất cho vợ, chồng Nguyễn Anh Trung – Lê Thị Thùy Diễm.
Năm 2016, đất bị giải tỏa 85 m2 để mở rộng đường Nguyễn Huệ, số tiền bồi thường gần 400 triệu đồng. Trung làm thủ tục nhận đủ tiền rồi giao cho cụ Tứ 350 triệu đồng. Lúc này, cụ vẫn đinh ninh đất vẫn thuộc quyền sở hữu của mình. Trung cũng ký giấy hứa trả lại toàn bộ thửa đất cho cụ Tứ khi cụ muốn.
Nhắc tới câu chuyện “cho cháu ở nhờ rồi bị mất luôn nhà”, cụ Tứ rất đau lòng
BẮC BÌNH
Cuối năm 2016, bà Lâm Thị Kim Hoàng (chị dâu của Trung, ngụ Đồng Nai, gọi cụ Tứ bằng dì) phát hiện Trung đứng tên chủ sở hữu thửa đất của vợ chồng cụ Tứ.
Lúc này, chị Tường Vi đang ở bên Mỹ biết tin nên ủy quyền cho người thân khởi kiện, đòi lại 1/2 giá trị di sản của người cha nuôi để lại. Năm 2017, vợ chồng ông Trung tiến hành xây nhà kiên cố trên thửa đất của cụ Tứ. Lúc này, hộ khẩu của cụ đã bị chuyển về H.Châu Thành – nơi cụ hoàn toàn không có chủ quyền nhà, đất.
Thực hiện xong nghĩa vụ tòa tuyên thì bị tạm dừng thi hành án
Năm 2018, TAND tỉnh Bến Tre tuyên án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của chị Tường Vi. Bản án bị vợ, chồng Trung – Diễm kháng cáo. Đến năm 2019, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về TAND tỉnh Bến Tre xét xử lại theo thủ tục chung.
Tháng 9.2020, TAND tỉnh Bến Tre tuyên án sơ thẩm lần 2, hủy văn bản khai nhận di sản thừa kế của cụ Tứ; hủy hợp đồng công chứng mà cụ Tứ ký với nội dung chuyển quyền sử dụng đất 450 m2 cho ông Trung với giá 100 triệu đồng; yêu cầu UBND TP.Bến Tre chuyển sở hữu thửa đất từ vợ, chồng Trung – Diễm sang cho cụ Tứ.
Thửa đất cụ Năm để lại cho cụ Tứ và Tường Vi đang bị vợ, chồng Nguyễn Anh Trung chiếm dụng để ở và bán tạp hóa
BẮC BÌNH
Tòa cũng định giá trị hơn 372 triệu đồng đối với ngôi nhà vợ, chồng Trung tự ý xây cất trên thửa đất này. Tòa buộc cụ Tứ có trách nhiệm trả lại bằng tiền giá trị ngôi nhà cho vợ, chồng Trung. Vợ, chồng Trung được lưu cư trong thời gian 6 tháng, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, rồi phải chủ động dọn đi nơi khác trả lại toàn bộ thửa đất cho cụ Tứ. Ngoài ra, trên cơ sở định giá thửa đất, cấp sơ thẩm buộc cụ Tứ có trách nhiệm trả cho Tường Vi số tiền hơn 2,3 tỉ đồng (giá trị 1/2 thửa đất, do Tường Vi ở Mỹ, không đủ điều kiện được sở hữu đất tại Việt Nam).
Theo tòa sơ thẩm, biên bản khai nhận di sản thừa kế của cụ Tứ mà không có ý kiến của Tường Vi là trái với quy định pháp luật nên phải bị hủy bỏ; Trung khai mua quyền sử dụng đất của cụ Tứ trên thực tế là 500 triệu đồng chứ không phải 100 triệu đồng như trong hồ sơ công chứng, nhưng vợ chồng Trung không chứng minh được có hoạt động trả tiền cho cụ Tứ và cụ cũng bác bỏ việc này. Mặt khác, số tiền Trung khai quá chênh lệch so với giá trị thực tế của thửa đất. Ngoài ra, còn do văn bản khai nhận di sản thừa kế của cụ Tứ đã bị hủy bỏ.
Bản án sơ thẩm lần 2 tiếp tục bị vợ chồng Trung, Diễm kháng cáo. Ngày 21.3.2022, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm với các nội dung mà TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên xử.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật được TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên, cụ Tứ vay mượn khắp nơi để hoàn thành nghĩa vụ về án phí, về số tiền 372 triệu đồng trả giá trị căn nhà mà vợ chồng Trung – Diễm xây trên đất mình, về nghĩa vụ trả hơn 2,3 tỉ đồng cho Tường Vi… Đến tháng 10.2022, tất cả các nghĩa vụ trong bản án đều được cụ Tứ thực hiện xong.
Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre ghi nhận đầy đủ việc thực hiện nghĩa vụ theo bản án của cụ Tứ, tuy nhiên sau đó lại ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành bản án giữa cụ và cháu ruột vì lý do khá bất ngờ! (còn tiếp)